Lễ giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn trong năm. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc ta nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng. Nghi lễ được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước ngày này, nhiều hoạt động văn hoá dân gian đã diễn ra và kết thúc bằng Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng vào đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Tuy nhiên nguồn gốc của lễ Giỗ tổ Hùng Vương như thế nào? Theo truyền thuyết dân gian, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt. Họ là cha mẹ của các Vua Hùng. Bởi vậy Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, từ lâu đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Với mục đích ghi nhớ công ơn khai thiên, lập địa của các Vua Hùng, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Tiếp đó, năm Khải Định thứ 2 thời nhà Nguyễn chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân dân toàn quốc ghi nhớ ngày này để lễ bái, tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Thậm chí, Đinh Bộ Lĩnh còn chọn ngày ngày này để lên ngôi Hoàng đế. Từ thời xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đều giao thẳng cho dân sở tại quản lý, trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại đền; đổi lại họ được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng, sưu dịch, sung vào lính.
Ngày nay, UNESCO công nhận Lễ giỗ tổ Hùng Vương là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Ngày lễ này không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế. Hiện đã có đến 1.417 đền thờ Vua Hùng trên cả nước.