Câu Chuyện Về Nhẫn Đính Hôn

Câu Chuyện Về Nhẫn Đính Hôn

Chiếc nhẫn đính hôn đã ra đời như thế nào?

Tặng trang sức cưới cho cô dâu là một trong những nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam. Bộ nữ trang được nhà trai mang sang hỏi vợ bao gồm vòng cổ, lắc tay, đôi bông và cặp nhẫn cưới. Nhưng nghi thức trao nhẫn đính hôn lại chỉ mới được du nhập vào Việt Nam. Mời các bạn cùng tìm hiểu về ý nghĩa của chiếc nhẫn đính hôn trong bài viết dưới đây.

 

Câu chuyện của chiếc nhẫn đính hôn

Trao nhẫn đính hôn là nét đẹp trong văn hóa phương Tây, được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây.  Khi đến tuổi kết hôn, các chàng trai sẽ âm thầm lựa nhẫn và chọn thời điểm thích hợp để cầu hôn hôn cô gái mà mình yêu.

Nhẫn đính hôn chỉ có duy nhất một chiếc và chỉ đeo cho người nữ. Kiểu dáng của chiếc nhẫn này được thiết kế cầu kỳ và tinh xảo vì là nhẫn dành cho nữ giới đeo. Những chàng trai có thu nhập cao thường chọn những chiếc nhẫn đính hôn có kim cương lớn để thể hiện tình yêu vĩnh cửu.

Nếu được cô gái đồng ý làm vợ, chàng trai sẽ đeo nhẫn đính hôn vào ngón tay giữa bên trái cho nàng để  làm vật định tình hay còn gọi “khẳng định chủ quyền” và bắt đầu bàn bạc, định kế hoạch cho ngày đám cưới sau đó.

 

Hình dáng của chiếc nhẫn đính hôn qua từng giai đoạn

Vào những năm 1800 (đầu thế kỉ 19) là thời đại Nữ Hoàng Victoria trị vì nước Anh, đã có rất nhiều câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa Nữ hoàng và chồng bà Albert. Chiếc nhẫn đính hôn thời đại này thường có họa tiết đa dạng như trái tim, nơ, hoa và thậm chí cả rắn.

Nhưng đến năm 1866, thương hiệu nữ trang cao cấp Tiffany & Co cho ra đời chiếc nhẫn đính hôn bạch kim đính kim cương cực kì tinh tế với tên gọi “Tiffany Settings”. Chiếc nhẫn này là nhẫn đính hôn đầu tiên mang thiết kế kim cương nổi ra phía ngoài. Thiết kế này đã làm “Nghiêng ngã” trái tim của các cô gái nước Anh.

Cho đến những năm đầu thế kỉ 20, trao nhẫn đính hôn cho vợ tương lai đã nhanh chóng trở thành một phong tục phổ biến trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Năm 1918, thương hiệu kim hoàn Cartier đã sáng tạo ra chiếc nhẫn Trinity Ring với ba chất liệu vàng hồng, vàng trắng và vàng nguyên chất đan quyện vào nhau. Với thiết kế tinh tế, chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu, tình bạn và sự chung thủy. Chiếc nhẫn đặc biệt này đã trở thành chiếc nhẫn đính truyền thống của Pháp cho đến ngày nay.

Ở giai đoạn 1920-1930, với thời kỳ của phong cách Art Deco theo trường phái hội họa lập thể và hình học. Chiếc nhẫn đính hôn khoác lên mình hình dáng cấu trúc hình học và trở nên ít nữ tính hơn.

Vào giai đoạn thế chiến thứ II khốc liệt, khoảng chừng năm 1940, chiếc nhân đính hôn thường có hình dáng lớn và nặng, nhưng không kém phần yểu điệu bởi họa tiết băng, nơ và hoa. Chất liệu vàng được ưa chuộng nhiều trong giai đoạn này. Đá hồng ngọc và ngọc bích được thay thế cho những viên kim cương sáng lấp lánh trên nhẫn đính hôn.

Sau đó, những chiếc nhẫn đính hôn làm từ bạch kim trở thành xu hướng với các họa tiết hoa văn được chạm khắc tinh tế sắc sảo vào những năm 1950.

Hai mươi năm sau đó, nhẫn đính kim cương lại trở thành xu thế của những câu chuyện tình yêu vĩnh cữu. Những viên kim cương được cắt gọt theo kiểu hình vuông mới lạ khiến chiếc nhẫn trở nên sang trọng và nữ tính hơn. Chất liệu bạch kim vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn này.

Mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, nhẫn đính hôn đính sapphire được cắt theo hình bầu dục mà Công nương Diana đeo mau chóng trở thành một cơn sốt và là niềm ao ước của các cô gái lúc bấy giờ.

Chiếc nhẫn đính hôn đính ba viên đá là xu hướng nổi bật vào năm 2000. Ba viên đá đính trên chiếc nhẫn này mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu thuở ban sơ thuộc quá khứ, hôn nhân viên mãn ở hiện tại và hạnh phúc bền lâu trong tương lai.

Cho đến ngày nay, những chiếc nhẫn đính hôn đã có nhiều mẫu thiết kế đa dạng và tỉ mỉ hơn. Nhưng xu hướng đính kim cương vẫn được rất nhiều cặp đôi yêu thích vì đó chính là biểu tượng cho một tình yêu trường tồn và vĩnh cửu.

← Bài trước Bài sau →